Những lời rao tìm người đòi nợ
Ngày 7.4.2009, giám đốc và 32 nhân viên Công ty TNHH thu hồi nợ
Phương Đông đã phải hầu tòa. TAND TP Hà Nội tuyên phạt giám đốc Lê Bình
Minh 12 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản” và “bắt giữ người trái pháp
luật”, các nhân viên còn lại cũng lãnh từ 12 tháng tù (án treo) đến 10
năm 6 tháng tù.
Công ty TNHH thu hồi nợ Phương Đông (trụ sở tại phố Vọng, quận Hai Bà
Trưng, Hà Nội) hoạt động từ năm 2006-2007 và có rất nhiều khách hàng.
Khi có người yêu cầu đòi nợ, Lê Bình Minh phân công người đi theo dõi
“mục tiêu” rồi cắt cử nhân viên đến đòi. Nếu con nợ không chịu trả liền
bị “đàn em” của Minh gọi điện thoại đe dọa, chửi bới, hay khủng bố tinh
thần bằng cách treo băng-rôn nói xấu người vay tiền tại nơi cư trú, dùng
vũ lực... Tổng cộng, Minh chỉ huy 10 vụ bắt giữ người, đe dọa, đánh
đập... thu về hơn 500 triệu đồng các khoản nợ được thuê đòi để chiếm
hưởng 10 - 40% giá trị các khoản đòi được.
Một điều dư luận hết sức bất ngờ là tại sao một “công ty” chuyên dùng
những trò xã hội đen để uy hiếp đòi nợ lại có thể tồn tại suốt một thời
gian dài? Nhu cầu nhờ thế lực “đen” đòi nợ đến đâu? Để kiểm chứng điều
này, chỉ cần dạo một vòng trên internet, vào các trang web xedap.org,
ketoan.vn, tretho.com... sẽ tìm thấy rất nhiều thông tin chủ nợ rao tìm
người đòi nợ thuê chứ không chọn giải pháp kiện ra tòa. Có trường hợp
viết thẳng: “Hồi năm ngoái có một công ty ở SG mời mình dạy học 1 khóa
về lập trình 3 ngày. Dạy học xong, thì nó lần lữa tới giờ gần 1 năm mà
vẫn chưa trả 1 xu nào. Có ai biết xã hội đen nào ở SG chuyên đi đòi nợ
giúp không?"...
 |
Nạn nhân N. bị nhóm Lê Kim Thủy đánh gãy răng sau khi bắt cóc để đòi nợ thuê - Ảnh: Đ.Huy |
Của đau con xót, nên nhiều người nôn nóng dùng “luật rừng” đòi nợ.
Như mới đây ngày 16.4, Công an Q.1 (TP.HCM) đã ra quyết định tạm giữ 9
người do liên quan đến việc bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ. Tìm
hiểu vụ việc này chúng tôi được biết: năm 2008, chị Dương Thị T. (38
tuổi, nhân viên môi giới dự án của một công ty ở Q.7) đưa N.T.N (36
tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) 160 ngàn USD nhờ “chạy” dự án. Việc giao nhận không
hề có bút tích gì ngoài chữ ký nháy của N. trong một hợp đồng. Dự án bất
thành, mất tiền, chị T. gửi hồ sơ đến cơ quan công an nhờ can thiệp.
Với chứng cứ ít ỏi, công an đành chào thua và hướng dẫn chị T. kiện ra
tòa. "Công an thua, chắc gì kiện dân sự mà đòi được", với tâm lý này chị
T. đến nhờ Lê Kim Thủy (34 tuổi, quê Bắc Ninh, tạm trú Đồng Nai) lấy
tiền giúp. Thủy đã rủ thêm 9 người khác thuê ô tô 15 chỗ ngồi đến quán
cà phê Dấu Ấn (số 58 Hồ Hảo Hớn, Q.1) đánh đập, bắt N. đưa lên ô tô. Bên
trong ô tô, chị T. chờ sẵn yêu cầu N. viết giấy mượn tiền 160 ngàn USD
thì bị công an ập đến bắt.
Một trường hợp khác, ngày 25.9.2008 ông Lâm Văn T. (H.Long Thành,
Đồng Nai) ký hợp đồng mua 3 ha tràm trồng tại Khu chế xuất Linh Trung 1,
P.Linh Trung với ông T.M.H (ngụ tại P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức, TP.HCM),
trị giá 230 triệu đồng. Ông T. được đưa đến tận nơi “thăm” vườn tràm và
đặt cọc 50 triệu đồng. Khi ông T. thuê thợ đến khai thác, mới phát hiện
vườn tràm thuộc sự quản lý của Nhà nước. Sau đó, ông T. nhiều lần tìm
đến nhà ông H. đòi lại tiền, nhưng chỉ nhận được lời... hẹn. Thấy ông H.
có biểu hiện lừa đảo, ông T. làm đơn tố cáo gửi đến công an nhờ can
thiệp. “Đến Công an P.Linh Xuân nộp đơn thì họ kêu qua P.Linh Trung (nơi
diễn ra việc mua bán vườn tràm). Khi đến P.Linh Trung thì được chỉ qua
nơi người bị tố cáo cư ngụ. Cứ lòng vòng như thế chẳng biết đường nào mà
lần”, ông T. than. Chưa biết “gõ” cửa nào, vào cuối tháng 4.2009 bỗng
nhiên xuất hiện 2 người lạ, mặt mày bặm trợn đến gặp ông T. đề nghị
"giúp" đòi nợ. “Họ ra giá, nếu lấy được nợ thì “cưa đôi”. Ban đầu tôi
định gật đầu, nhờ họ đòi nợ giúp. Nhưng sau đó, nghĩ lại nếu lỡ như họ
dùng bạo lực xâm phạm đến tính mạng người khác, mình cũng liên lụy nên
từ chối”, ông T. kể.
Nhiêu khê con đường đòi nợ
Những bản án dành cho các đối tượng đòi nợ thuê với các hành vi phạm
pháp ngày càng nhiều nhưng xem ra việc đòi nợ thuê vẫn không giảm. Một
cán bộ trong ngành pháp luật kết luận đòi nợ thuê là một mảnh đất màu mỡ
cho nhiều đối tượng (hợp pháp và bất hợp pháp) làm ăn. Nguyên nhân vì
hành lang pháp lý chưa phát huy hiệu quả. Chuyện án dân sự xử sao cũng
được, án có hiệu lực rồi không thể thi hành là một trong những lý do
khiến nhiều chủ nợ tìm cách giải quyết chuyện nợ nần ngoài tòa án.
|
Theo thống kê của thi hành án (THA) dân sự TP.HCM, tổng số việc
phải THA năm 2008 trên địa bàn là 91.775, trong đó 37.797 việc chưa có
điều kiện THA, chiếm khoảng 41%. “Án dân sự có hiệu lực không thể thi
hành, những khoản nợ khó đòi tồn đọng ngày càng nhiều là điều kiện để
nghề thu nợ phát triển rầm rộ. Trong đó, số lượng chủ nợ tìm đến thế lực
đen nhờ đòi nợ không phải là ít”, luật sư Bùi Quốc Tuấn nhận xét. |
|
Như vụ mua bán nhà dưới đây chẳng hạn. Vợ chồng ông Trần Đình Tiệp
sang nhượng căn nhà số 374 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3 (TP.HCM) của bà
Nguyễn Thị Nhỡ để làm ăn, sinh sống vào năm 2006. Giấy tờ đã sang tên,
nhưng nhà không thể nhận vì những người con của bà Nhỡ không chịu giao
với lý do bản án phúc thẩm trước đó của TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên
công nhận bà Nhỡ là chủ sở hữu căn nhà nhưng cũng ưu tiên cho họ quyền
được mua căn nhà này. Vợ chồng ông Tiệp nhận nhà không được, lấy lại
tiền cũng không xong, vụ việc được đưa ra TAND Q.3 nhưng từ đó đến nay,
vụ kiện vẫn chưa thể xếp lại. Ai nhìn vào cũng thấy vô lý: tiền mẹ cầm,
nhà con chiếm nhưng luật pháp vẫn... bó tay là sao? Có lúc cùng quẫn, vợ
ông Tiệp từng đặt vấn đề tìm “xã hội đen giải quyết cho rồi” nhưng được
nhiều người khuyên can bà lại nán lòng chờ đợi mà chưa biết những đồng
tiền mồ hôi nước mắt có lấy lại được hay không?
Bi đát hơn là trường hợp của gần chục bị hại trong vụ án Nguyễn Văn
Linh phạm tội lừa đảo mà TAND TP.HCM mới đưa ra xét xử gần đây. Việc
những người bị hại đưa tiền cho vợ chồng Linh kinh doanh rồi bị chiếm
đoạt là có thật, được bị cáo xác nhận tại tòa nhưng suốt 12 năm qua họ
vẫn chưa nhận lại được tiền. Một số bị hại cũng rơi rụng dần vì đã trở
về với cát bụi, số lại bị tách ra quay về “khởi kiện dân sự”. 12 năm
qua, tài sản của Linh cũng không còn gì để mà thi hành. Một bị hại từng
đưa cho Linh 30 lượng vàng vào năm 1996 - 1997 than: “Nếu có đòi được
tiền chắc cũng chỉ đủ uống cà phê vì giờ vợ chồng ổng có tài sản gì đâu
mà thi hành án, trong khi con cái họ rất giàu. Biết vậy nhờ xã hội đen
đòi giùm ngay từ đầu may ra còn hiệu quả hơn chờ luật pháp”. Nhưng đó
mới chỉ là phiên xử sơ thẩm, còn một cấp phúc thẩm nữa. Những người theo
phiên xử lắc đầu ngao ngán, không biết họ sẽ nhận lại được gì sau bản
án.
Khổ hơn là những bản án đã có hiệu lực rành rành nhưng pháp luật vẫn
bó tay như trường hợp của ông Nguyễn Thái Bình. Do cần vốn, ông Bình nhờ
Công ty TNHH SX-DV-DL-TM Thiên Ban Phúc (do bà Cao Thị Láng làm giám
đốc, địa chỉ 102 Nguyễn Văn Thủ, P.Đakao, Q.1) làm thủ tục vay ngân hàng
3.000.000 USD, hoa hồng 2%. Ông Bình tạm ứng trước 100 triệu đồng làm
chi phí, nếu không vay được thì bà Láng sẽ hoàn lại. Tranh chấp phát
sinh, ngày 26.12.2007 tòa tuyên buộc bà Láng phải trả lại cho ông Bình
100 triệu đồng nhưng đến nay đó vẫn chỉ là bản án trên giấy. Chấp hành
viên thụ lý vụ án cho biết: “Đành phải bó tay vì đến công ty chỉ có mấy
cái bàn, mấy cái ghế, một vài nhân viên. Đến án phí công ty này còn
không chịu đóng nữa là...”.
Tức anh ách là trường hợp của ông Đỗ Quốc Phi. Năm 2005, ông Phi và
Công ty TNHH Cương Trung (địa chỉ B195, tổ 16A, P.Đông Hưng Thuận, Q.12)
ký kết hợp đồng thi công san lấp. Quá trình thực hiện, ông Phi đã cung
cấp 14.472,5m3 đất. Công ty Cương Trung cũng xác nhận còn nợ 280 triệu
đồng nhưng... không chịu trả. Gần hai năm gian nan kiện đòi nợ, cuối
cùng ông Phi cũng cầm được bản án phúc thẩm buộc Công ty Cương Trung
phải bồi thường cho ông hơn 312 triệu đồng cả vốn, lãi. Tuy nhiên, bản
án vẫn chỉ cầm coi chơi. Ông Phi ấm ức: “Doanh nghiệp vẫn đang hoạt
động, hằng tháng đều có báo cáo thuế vậy mà THA không được. Không hiểu
tại sao luật pháp không được thực thi để những người như chúng tôi bị
thiệt”.